Các bệnh thường gặp do dùng máy lạnh.
Hiện nay môi trường sống xung quanh ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là tại đô thị như TP. Hồ Chí Minh với mật độ dân số đông đúc, phương tiện giao thông tấp nập hàng ngày thải ra ngoài không khí bao nhiêu là khói bụi, khí thải độc hại.
Trở về nhà hay căn phòng làm việc của mình bạn muốn có những phút giây thư thái trong bầu không khí trong lành dịu mát. Tất yếu bạn sẽ nghĩ ngay đến việc lắp máy lạnh cho căn phòng của mình. Tuy nhiên việc sử dụng máy lạnh như thế nào để luôn bảo đảm cho một cơ thể khỏe mạnh vẫn là điều mà mọi người còn ít biết.
Do môi trường bên ngoài luôn nóng nực, khó chịu nên mọi người thường có tâm lý "sinh hoạt" nhiều trong phòng máy lạnh. Nếu thời gian kéo dài, cơ thể bạn sẽ giảm khả năng thích ứng, thu hẹp ngưỡng chịu đựng. Sức đề kháng yếu khi thay đổi đột ngột nhiệt độ của môi trường bên ngoài, điều này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác nhau.
Ở trong môi trường có nhiệt độ thấp, sự tương tác kích thích của các yếu tố lạnh làm cho thân nhiệt tại các vùng cục bộ trên cơ thể chênh lệch, nhiệt độ ở tay chân luôn thấp hơn nhiệt độ thân thể con người.
Trong phòng lạnh, số ion âm của không khí gần như bằng không. Các ion này rất có ích cho sức khỏe, được ví như là vitamin trong không khí. Thiếu nó, người ta dễ lâm vào trạng thái suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, rối loạn thần kinh thực vật. Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi mét khối không khí trong phòng có 50 ion âm, nhưng khi sử dụng máy lạnh thì giảm xuống chỉ còn chừng 10 ion.
Khi sử dụng máy lạnh thường xuyên, kéo dài và độ lạnh càng sâu, độ ẩm càng giảm khiến da và niêm mạc đường hô hấp trở nên khô, giảm sức đề kháng với mầm bệnh và dễ bị kích ứng.
Sự chênh lệch nhiệt độ trong phòng lắp máy lạnh và bên ngoài quá cao khiến hệ thần kinh thực vật khó thích ứng, nếu chênh 5-10 độ C là điều rất bất lợi cho sức khỏe của nhân viên văn phòng nếu không có phòng đệm, thậm chí có thể xảy ra tai biến khi đột ngột ra khỏi phòng, nhất là những người vốn bị tăng huyết áp, huyết áp thấp hoặc thiểu năng tuần hoàn não và tuần hoàn tim.
Nhiệt độ lạnh kéo dài sẽ khiến cho các cơ bị co cứng, lượng máu đến nuôi dưỡng cơ khớp bị suy giảm do co thắt mạch máu dẫn đến tình trạng đau mỏi cơ khớp, đau cổ gáy, đau lưng, đặc biệt là khi ngồi làm việc ở vị trí mà luồng không khí lạnh từ máy lạnh phả trực tiếp vào các vùng nhạy cảm của cơ thể như đầu, mặt, cổ, gáy.
Trong thời gian sử dụng máy lạnh, phòng làm việc thường phải đóng kín cửa nên dễ thiếu dưỡng khí và thừa thán khí nên dễ gây cảm giác ngột ngạt, khó thở, là nguy cơ gây nên các bệnh lý hô hấp.
Một số căn bệnh thường gặp do sử dụng máy lạnh quá nhiều.
Hội chứng suy nhược thần kinh:
Biểu hiện bằng nhiều trạng thái như mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, tức ngực, căng thẳng, dễ cáu gắt, mất ngủ, hiệu suất làm việc giảm sút. Đây là những yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành tim, thiểu năng tuần hoàn não…, thậm chí có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, tâm thần phân liệt…
Bệnh lý đường hô hấp:
Viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm thanh quản… cấp hoặc mạn tính, hay bị khô họng, nghẹt mũi, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do virus gây nên lây truyền qua đường hô hấp, thậm chí có thể bị hen phế quản. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người làm việc trong phòng lắp máy lạnh có nguy cơ mắc các vấn đề về hô hấp gấp 2,5 lần so với người làm trong môi trường thông thoáng tự nhiên.
Bệnh lý cơ xương khớp:
Đau mỏi cơ bắp và các khớp xương, đau lưng, đau cổ gáy.
Bệnh về da:
Da bị mất nước, khô ráp, giảm sức đề kháng, dễ bị dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt mặc dù có dùng kem dưỡng da thường xuyên.
Những biện pháp phòng tránh.
Khi sử dụng máy lạnh, bạn cần chú ý vấn đề thông gió, mỗi ngày nên mở cửa sổ trong một khoảng thời gian nhất định để không khí trong phòng được lưu thông, thay cũ đổi mới.
Trong khi bật máy lạnh, người sử dụng nên bật quạt thông gió và nên chú ý vệ sinh máy lạnh sạch sẽ theo đinh kỳ thường xuyên từ 3 - 6 tháng/lần.
Giữ nhiệt độ trong phòng sao cho không bao giờ chênh lệch với bên ngoài quá 5 độ.
Làm việc trong phòng khoảng một giờ, nên ra bên ngoài để thay đổi không khí.
Trước khi ra khỏi phòng, cần vận động cơ thể trong vài phút, khi cơ thể thích ứng mới ra hẳn bên ngoài.
Nếu có việc phải ở lâu trong phòng thì chú ý uống nhiều nước ấm và trong phòng nên đặt một chậu nước để đảm bảo độ ẩm cần thiết.
Hết sức tránh luồng không khí lạnh từ máy lạnh thổi trực tiếp vào người, đặc biệt là vùng đầu và gáy. Tốt nhất là hướng cửa gió chếch sang phải hoặc trái hoặc lên phía trên, tốc độ gió nên để ở mức vừa phải.
Không hút thuốc lá trong phòng lạnh, chú ý vệ sinh máy lạnh, phòng ốc thường xuyên, sắp xếp trật tự nội vụ gọn sạch để ngăn ngừa sự phát triển của vi sinh vật, nên dùng kem dưỡng da và giữ ẩm để phòng tránh các bệnh da liễu; cần chú ý mặc ấm, giữ vùng cổ và hai bàn chân khỏi bị lạnh.
Nên trọng dụng các loại đồ ăn thức uống có tính chất ôn ấm và dự phòng nhiễm lạnh như kẹo gừng, trà gừng, ô mai.
Những lúc giải lao, nên tiến hành một số động tác như xoa nóng hai vành tai, dùng hai bàn tay đan vào nhau xát mạnh vùng gáy, xát hai bàn tay và hai bàn chân vào nhau cho ấm lên, tự hít thở thật sâu trong tư thế toàn thân thư giãn.
Số lần xem: 3403